Chương trình kiến tạo lẽ sống và luyện rèn kỹ năng sống
Hành trình kiến tạo lẽ sống cho học sinh cần được bắt đầu sớm từ giai đoạn ngồi trên ghế nhà trường – độ tuổi trải qua rất nhiều những biến động về tâm sinh lý. Những biến động này đã làm nảy sinh hàng loạt các vấn đề trong mối quan hệ của học sinh với gia đình, nhà trường và xã hội. Việc khai mở khả năng tiềm ẩn của học sinh để hướng đến các giá trị chuẩn mực của xã hội là rất quan trọng. Từ đó luyện rèn và trau dồi các khả năng để tạo thành kỹ năng đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống, sẵn sàng cho học sinh bước vào đời với tâm thế của con người thực giá trị.
Tại VSchool, học sinh được hướng dẫn luyện rèn các kỹ năng cơ bản để:
– Thể hiện thái độ sống tích cực, có trách nhiệm với bản thân.
– Xác định nhiệm vụ và mục tiêu của mình trong cuộc sống và định hướng tương lai.
– Sắp xếp và tổ chức cuộc sống của mình một cách khoa học.
– Xác định thái độ tích cực với thành công của người khác.
– Biết cách lắng nghe một cách chân thành.
– Có tinh thần hợp tác với mọi người.
– Không ngừng học hỏi và hoàn thiện bản thân.
Chương trình tiếp cận giáo dục STEM/STEAM
STEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học). STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì dạy bốn môn học tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.
STEAM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Art (Nghệ thuật) và Math (Toán học). Giáo dục STEAM là một khái niệm dạy học liên ngành kết hợp giữa nghệ thuật với các môn học STEM truyền thống là: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học.
Về cơ bản giáo hoạt động giáo dục STEM và STEAM giống nhau. Khái niệm khởi đầu là STEM như một cách tiếp cận liên môn trong dạy và học, kết nối các lĩnh vực Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ, Toán. Sau này có nhiều biến thể, trong đó có STEAM, tức là có bổ sung thêm Art (nghệ thuật), tuy nhiên theo thói quen vẫn dùng STEM.
Chương trình tiếp cận giáo dục STEM/STEAM của VSchool không phải dạy cho học sinh những thứ phức tạp cao siêu, mà hướng dẫn các em biết cách vận dụng kiến thức lý thuyết để giải quyết các vấn đề quen thuộc của đời sống xung quanh mình. Học STEM/STEAM không chỉ giới hạn ở các môn học như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học…; không chỉ học trong phòng thí nghiệm, không gian sáng tạo mà còn học ở bên ngoài. Chẳng hạn, học sinh có thể thiết kế các tấm giấy mời, backdrop chương trình, cùng bạn bè làm hệ thống tưới nước tự động cho vườn cây trong sân trường, gấp một chiếc máy bay giấy có thể bay xa, làm một chiếc thuyền bằng bìa các tông không bị chìm khi xuống hồ…, hơn nữa học sinh biết sửa chữa được các vật dụng trong gia đình.
Đích đến của giáo dục tại VSchool là giúp các học sinh có các kỹ năng tư duy, lập luận, logic và dạy STEM/STEAM để giúp các em duy trì sự tò mò, biết đặt câu hỏi và tìm ra cách giải quyết vấn đề. Học sinh được học cách nghĩ, cách diễn giải bằng ngôn ngữ, cách viết bài luận để giúp các em thêm lợi thế, có sức cạnh tranh trong bối cảnh mới.
Chương trình tham vấn tâm lý
Tham vấn tâm lý học đường là hoạt động hỗ trợ tâm lý cho học sinh, giáo viên và đôi khi cả phụ huynh thông qua hình thức giao tiếp. Mục tiêu của hoạt động này là xóa bỏ cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực và giúp các em học sinh vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập. Đồng thời cải thiện mối quan hệ giữa học sinh với thầy cô và gia đình.
Tại VSchool, chương trình tham vấn tâm lý sẽ giúp cho học sinh:
– Kịp thời giải quyết các vướng mắc: Đội ngũ chuyên gia sẽ lắng nghe, chia sẻ và đưa ra những lời khuyên giúp trẻ có hướng xử lý phù hợp. Ngoài ra, các chuyên gia cũng trang bị cho học sinh thêm những kỹ năng cần thiết trong học tập, giao tiếp và đặc biệt là kỹ năng kiểm soát căng thẳng.
– Gắn kết học sinh và gia đình: Học sinh và gia đình đều có thể tham gia tham vấn tâm lý học đường để gỡ bỏ mâu thuẫn và thấu hiểu nhau hơn. Việc giải quyết kịp thời mâu thuẫn giữa học sinh – gia đình giúp trẻ phát triển khỏe mạnh về tinh thần và luôn có gia đình là chỗ dựa mỗi khi gặp phải những vấn đề khó khăn.
– Giúp giáo viên hiểu rõ tâm lý học sinh: Khoảng cách giữa hai thế hệ khiến giáo viên khó hiểu được tâm lý của học sinh. Vì vậy, giữa thầy và trò không có sự gắn kết và dễ phát sinh mâu thuẫn. Đây là lý do tham vấn tâm lý học đường được thực hiện cho cả giáo viên để hiểu hơn về tâm lý học sinh. Từ đó có cách giáo dục, giảng dạy và quan tâm phù hợp.
– Ngăn ngừa các bệnh tâm lý học đường: Hiện nay, không ít học sinh phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý học đường như stress, rối loạn lo âu, suy nhược thần kinh,… do áp lực học tập, vấn đề tình cảm, nạn nhân của bạo lực học đường hoặc bị tẩy chay, kỳ thị. Khi được kịp thời tham vấn tâm lý học đường, tỷ lệ học sinh mắc các bệnh tâm lý sẽ giảm đi đáng kể.
– Giúp học sinh phát triển nhân cách bình thường: Trong giai đoạn tuổi học sinh, sự thay đổi của hormone khiến trẻ trở nên nhạy cảm và đôi khi có suy nghĩ, hành vi lệch chuẩn. Nếu không có sự hỗ trợ của tư vấn tâm lý học đường, trẻ có thể phải gặp phải nhiều vấn đề trong quá trình phát triển nhân cách.
Chương trình hoạt động câu lạc bộ đội nhóm
Thông qua hoạt động của các câu lạc bộ đội nhóm để phát hiện và trau dồi các năng lực sở trường đặc thù của học sinh như:
– Năng lực ngôn ngữ: Bao gồm năng lực sử dụng tiếng Việt và năng lực sử dụng ngoại ngữ; mỗi năng lực được thể hiện qua các hoạt động: nghe, nói, đọc, viết.
– Năng lực tính toán: Thể hiện qua các hoạt động nhận thức kiến thức toán học, tư duy toán học, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học.
– Năng lực khoa học: Thể hiện qua các hoạt động nhận thức khoa học, tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu xã hội, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học.
– Năng lực công nghệ: Thể hiện qua các hoạt động nhận thức công nghệ, giao tiếp công nghệ, sử dụng công nghệ, đánh giá công nghệ, thiết kế kỹ thuật.
– Năng lực tin học: Sử dụng và quản lý các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông, ứng xử phù hợp trong môi trường số, giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong học và tự học, hợp tác trong môi trường số.
– Năng lực thẩm mỹ: Bao gồm năng lực âm nhạc, năng lực mỹ thuật, năng lực văn học; mỗi năng lực được thể hiện qua các hoạt động nhận thức các yếu tố thẩm mỹ, phân tích, đánh giá các yếu tố thẩm mỹ, tái hiện, sáng tạo và ứng dụng các yếu tố thẩm mỹ.
– Năng lực thể chất: Thể hiện qua các hoạt động chăm sóc sức khỏe, vận động cơ bản; hoạt động thể dục thể thao.
Chương trình khai vấn hướng nghiệp – khởi nghiệp
Sở thích và nguyện vọng của mỗi cá nhân sẽ phát triển và thay đổi theo thời gian. Các em học sinh sẽ được trải nghiệm phù hợp với sở thích và nguyện vọng cá nhân thông qua hành trình tự khám phá bản thân. Việc hiểu bản thân và lên kế hoạch cho những trải nghiệm phù hợp là nền tảng cho hành trình hướng nghiệp, khởi nghiệp của học sinh tại VSchool.
VSchool tổ chức cho học sinh tìm hiểu, nắm bắt xu hướng dịch chuyển nghề nghiệp, việc làm thông qua hình ảnh, video, clip, các tài liệu, học cụ, công cụ lao động về nghề nghiệp, việc làm. Tạo môi trường, hỗ trợ học sinh được trải nghiệm, thực hành, tìm hiểu thực tế về các nhóm ngành nghề, việc làm thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm tại cộng đồng, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các đối tác. Tư vấn, hướng dẫn học sinh khám phá, nhận biết, phát triển năng khiếu, năng lực, sở trường, nguyện vọng về nghề nghiệp, việc làm thông qua quá trình học tập, rèn luyện. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng về nghề nghiệp, việc làm cho học sinh thông qua các hoạt động câu lạc bộ, các hoạt động ngoài giờ lên lớp và hoạt động phối hợp với các đối tác. Tổ chức cho học sinh tìm hiểu yêu cầu về phẩm chất, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ đối với các ngành tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh, tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho học sinh.
VSchool tổ chức tuyên truyền cho học sinh về các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp thông qua việc lồng ghép vào chương trình môn học, các hoạt động giáo dục, qua tài liệu và các phương tiện truyền thông. Tổ chức bồi dưỡng, cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và thông qua tài liệu do nhà trường cung cấp. Phát triển các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để học sinh có môi trường hình thành các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Phối hợp với các đối tác tổ chức cho học sinh thực hành, trải nghiệm và triển khai các dự án khởi nghiệp. Tổ chức diễn đàn, tọa đàm, giao lưu truyền cảm hứng, tinh thần khởi nghiệp cho học sinh. Phối hợp với các đối tác tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp; tổ chức thực hành, triển khai các dự án khởi nghiệp và kết nối các dự án khởi nghiệp khả thi của học sinh với các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp.